• Loading...
 

Hỏi đáp

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện Video

In Đọc bài
Đưa khoáng sản trở thành nguồn lực xứng tầm trong phát triển kinh tế - xã hội
Ngày xuất bản: 08/11/2024 8:48:00 SA
Lượt đọc: 221

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (ĐC&KS) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Dự thảo Luật đã kế thừa Luật Khoáng sản hiện hành, bổ sung một số quy định mới nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn, đưa khoáng sản trở thành nguồn lực xứng tầm trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình xung quanh nội dung này.

PV: Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đại biểu đánh giá thế nào về nội dung của dự thảo Luật đã được trình?

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm:

Luật Địa chất và Khoáng sản được trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng về việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên địa chất, khoáng sản, biến đây thành nguồn lực xứng tầm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vừa để bảo tồn nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia; Dự thảo Luật tiến tới việc tạo hành lang pháp lý để quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Có thể nói, tại kỳ họp 7, hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); đã cụ thể hóa 5 nhóm chính sách được thông qua đó là: Chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; Hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; Hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; Hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; Hoàn thiện chính sách tài chính về ĐC&KS. Dự thảo Luật đã kế thừa Luật Khoáng sản hiện hành, bổ sung một số quy định mới, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để khắc phục bất cập trong thực tiễn.

Chính vì tầm quan trọng của Luật này mà tại kỳ họp 7, dự án Luật đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, quá trình góp ý, thảo luận đã có nhiều ý kiến đa chiều, cung cấp thêm nhiều góc nhìn để Ban soạn thảo cân nhắc thêm trong quá trình hoàn chỉnh Luật.

PV: Dự thảo Luật ĐC&KS được Chính phủ trình Quốc hội kỳ này có nhiều quy định mới. Theo đại biểu, những điểm mới này có thể gỡ những điểm nghẽn nào của Luật Khoáng sản 2010, giúp phát huy được nguồn lực tài nguyên khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước?

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm:

Dự thảo Luật ĐC&KS đã điều chỉnh bổ sung các loại khoáng sản, trừ dầu khí, các loại nước thiên nhiên khác không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đã bao hàm đầy đủ các đối tượng. Về phân nhóm khoáng sản (Điều 7), khoản 2 đã quy định giao Chính phủ quy định danh mục khoáng sản theo nhóm; quy định việc phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng. Do vậy, không có sự lẫn lộn giữa các nhóm khoáng sản, không có khoảng trống pháp lý…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm

Có thể nói, các quy định của Dự thảo Luật lần này sẽ tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn như: chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nằm trong khu vực quy hoạch khoáng sản; việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích; việc đóng cửa mỏ từng phần, bàn giao nhanh diện tích đã khai thác hết trữ lượng cho địa phương đưa vào sử dụng; cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, san lấp trên diện tích quy hoạch khoáng sản; thu hồi khoáng sản trong quá trình thi công công trình, dự án nằm trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác… Dự thảo Luật cũng sẽ gắn công tác quy hoạch, quản lý khai thác khoáng sản với đô thị hóa - cấp nước - giao thông - thủy lợi - lâm nghiệp - du lịch và bảo vệ môi trường trong một thể thống nhất; có chế độ khuyến khích các phương án hoạt động khai thác khoáng sản bền vững…

Tôi tin tưởng rằng, dự thảo Luật sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên; đặc biệt sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục khai thác khoáng sản nhằm kịp thời cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là công trình trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án đường bộ cao tốc được ĐBQH, cử tri và Nhân dân rất quan tâm thời gian qua.

PV: Một trong những quy định mới của dự thảo Luật ĐC&KS là bổ sung quy định liên quan đến việc phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh trên cơ sở quy định rõ trách nhiệm gắn với thẩm quyền của từng chủ thể quản lý. Đại biểu nhìn nhận thế nào về quy định mới này? Tại Quảng Bình, quy định này giúp địa phương phát huy nguồn lực tài nguyên khoáng sản như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm:

Luật Khoáng sản 2010 và các Nghị định liên quan trước đây đã quy định việc phân cấp quản lý khoáng sản. Tuy nhiên, việc phân cấp và thực thi quyền hạn, trách nhiệm trong phân cấp vẫn còn hạn chế, chưa đồng bộ ở các cấp. Chính vì thế, Luật mới sẽ tạo cơ chế tháo gỡ những hạn chế này. Nếu việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản được thực hiện một cách bài bản, phù hợp với từng địa phương sẽ phát huy được sự chủ động, sáng tạo trong việc quản lý tốt tài nguyên khoáng sản trên từng địa bàn; đảm bảo khai thác tận thu nguồn tài nguyên quy mô nhỏ, tránh việc khai thác “thổ phỉ”, góp phần tăng thu cho ngân sách và phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên, môi trường của địa phương và của quốc gia. Trên cơ sở quy định rõ trách nhiệm gắn với thẩm quyền của từng chủ thể thì việc quản lý, khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia hiệu quả hơn; không để thất thoát, lãng phí tài sản công như thời gian qua.

Quảng Bình có tiềm năng, trữ lượng tương đối lớn về cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản năm 2010 mới chỉ quy định chung về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, chưa có các quy định cụ thể về công tác quản lý cát, sỏi lòng sông. Chính vì thế, thời gian qua quản lý cát, sỏi lòng sông luôn phải gắn chặt với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Trong khi đó, luật hiện hành chỉ điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thăm dò, khai thác khoáng sản mà không điều chỉnh hành vi tập kết, mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông nên các văn bản hướng dẫn luật cũng không quy định để điều chỉnh các hành vi trên. Việc này dẫn đến tình trạng cấp phép, quản lý theo “cảm tính”, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách.

Khai thác cát tại huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Thanh Tùng

Do đó, khi dự thảo Luật ĐC&KS bổ sung nội dung về “quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển”, Quảng Bình tin tưởng sẽ góp phần kiểm soát chặt cát, sỏi; tránh tình trạng cấp phép, quản lý theo cảm tính, không thống nhất giữa các địa phương làm thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách…

PV: Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung dự thảo Luật ĐC&KS. Đại biểu có những góp ý cụ thể như thế nào để hoàn thiện dự thảo Luật?

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm:

Qua nghiên cứu dự thảo cho thấy, cơ quan soạn thảo đã cơ bản tiếp thu ý kiến đóng góp của ĐBQH tại kỳ họp thứ 7 và ý kiến của các cơ quan có liên quan. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật ĐC&KS, đảm bảo tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành, tôi kiến nghị xem xét 2 vấn đề liên quan đến Luật Quy hoạch và Luật Đấu giá tài sản.

Thứ nhất, về quy hoạch khoáng sản, tại Điều 11, 12 của dự thảo luật có quy định về việc lập quy hoạch và trong đó, đã xác định Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản (Điều 11) và quy hoạch khoán sản (Điều 12) là quy hoạch ngành quốc gia. Qua nghiên cứu Luật Quy hoạch cho thấy, tại Điều 25 Luật Quy hoạch đã quy định các nội dung liên quan đến việc quy hoạch ngành quốc giá, trong đó đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nội dung quy hoạch ngành quốc gia bao gồm cả quy hoạch sử dụng tài nguyên quốc gia tại khoản 4 Điều 25. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, các nội dung đã được Luật Quy hoạch (tạm gọi là luật chuyên ngành về quy hoạch) đã quy định đề nghị không quy định lại ở các luật khác. Đồng thời, tại luật này chỉ quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch nhằm thống nhất với quy định tại khoản 7 Điều 25 Luật Quy hoạch.

Thứ hai, về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tại mục 2 Chương X dự thảo luật quy định về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm các nội dung liên quan đến nguyên tắc đấu giá; giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước; điều kiện tổ chức, cá nhân được tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trúng đấu giá…. Về vấn đề này, tôi đề nghị xem xét lại, bởi vì hiện nay liên quan đến nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, chi phí đấu giá tài sản đã được quy định cụ thể tại Luật Đấu giá tài sản bao gồm đấu giá đối với tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản (điểm l khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá). Do đó, tôi đề nghị rà soát lại và tại dự thảo Luật ĐC&KS chỉ quy định về nội dung trong việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, còn các nội dung khác thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ./.

Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Theo Báo TN&MT