• Loading...
 

Hỏi đáp

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện Video

In Đọc bài
Dự kiến Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vào cuối năm 2023
Ngày xuất bản: 14/02/2023 8:42:00 SA
Lượt đọc: 1498

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 16/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023, trong đó nhấn mạnh đến những định hướng trong sửa đổi Luật Tài nguyên nước.

 

Theo Nghị quyết, Chính phủ đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, tích cực của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời đề nghị Bộ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, kết luận của Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, năm 2023.

Theo Nghị quyết 16/NQ-CP, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước theo hướng sửa đổi toàn diện Luật tài nguyên nước năm 2012 để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên nước, đáp ứng yêu cầu về quản lý tài nguyên nước hiệu quả, bền vững; khắc phục căn bản những bất cập, vướng mắc do quy định hiện hành; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và các cam kết đa phương, song phương của Việt Nam.

Sửa đổi Luật Tài nguyên nước cần chú ý đến các chính sách về bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt; bảo vệ, quản lý nguồn nước, dòng chảy tự nhiên, an toàn hồ chứa, đập. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 để làm rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm và các giải pháp chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chọn lọc những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là hiệu quả thì tiếp tục thực hiện; các vướng mắc, bất cập, điểm nghẽn trong thực tế thì điều chỉnh để tháo gỡ; bổ sung những vấn đề chưa có quy định.

Nội dung chính sách của dự thảo Luật cần tập trung tăng cường phân cấp quản lý, gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường công cụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Đồng thời, quy định cụ thể, đầy đủ về trách nhiệm của các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, bỏ sót, tăng cường công tác phối hợp và cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Chú ý các chính sách về bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt; bảo vệ, quản lý nguồn nước, dòng chảy tự nhiên, an toàn hồ chứa, đập,... gắn với chính sách bảo vệ môi trường và phát triển các phương thức vận tải phù hợp để phát triển kinh tế; cần có các cơ chế tài chính, chính sách thuế, giá, phí bảo đảm đồng bộ, hiệu quả về lâu dài, phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế thị trường, đồng bộ với các chính sách khác về quản lý tài nguyên nước.

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, nhất là về các vấn đề liên quan đến: cơ chế tài chính, thẩm quyền và thủ tục cấp phép, điều hòa và phân phối tài nguyên nước, khai thác, quản lý nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước..., nhất là các chính sách tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Trong quá trình soạn thảo dự án Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ động tổ chức tham vấn, lấy ý kiến bằng hình thức phù hợp, hiệu quả đối tượng chịu sự tác động, doanh nghiệp, nhà khoa học và các cơ quan, địa phương, tổ chức có liên quan, tăng cường truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận.

Đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, kết luận của Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thực hiện chỉ đạo việc hoàn thiện dự án Luật này, để trình Quốc hội dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 năm 2023.

Theo Báo Bộ Tài nguyên và môi trường