Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1553/QĐ-TTg đã góp phần cung cấp nước sinh hoạt, tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong nỗ lực “xóa khát” đó, có dấu ấn lớn của ngành TN&MT. Không chỉ làm tốt công tác quy hoạch và điều tra cơ bản, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT) còn thực hiện thành công nhiều dự án tìm kiếm nguồn nước ở trên núi cao, ngoài đảo xa, giải “cơn khát” nhiều đời cho đồng bào và chiến sỹ cả nước. Nhiều dự án đã in đậm dấu chân những cán bộ Trung tâm, để khi nhắc đến, người ta không thể quên hình ảnh của những cán bộ địa chất thủy văn cần mẫn, nói ít làm nhiều, quyết tâm mang lại nguồn nước ở những nơi tưởng chừng như không có sự sống.
Chương trình thực hiện tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên địa bàn 41 tỉnh với số vùng được điều tra, đánh giá là 325 vùng, gồm: Khu vực Bắc Bộ (15 tỉnh): Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La; với số vùng được điều tra đánh giá là 147 vùng. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2015 đến năm 2023, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2015 đến năm 2020 và giai đoạn 2 từ năm 2020 đến năm 2023.
Trăn trở với nguồn nước sạch
Làm thế nào để đưa nước sạch về với từng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khan hiếm nước là vấn đề mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trăn trở trong suốt thời gian qua. Từ nỗ lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn qua 3 giai đoạn, từ năm 1998 đến năm 2015, Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a… và sự đóng góp của các tổ chức quốc tế, lĩnh vực nước sạch nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Một trong những điểm nhấn lớn là việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình điều tra cơ bản tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Chương trình được triển khai trên địa bàn 41 tỉnh, với 325 vùng được điều tra đánh giá. Trong đó, khu vực Bắc Bộ có 147 vùng được đánh giá tại 15 tỉnh; khu vực Bắc Trung Bộ có 32 vùng được điều tra, đánh giá tại 5 tỉnh; Nam Trung Bộ có 48 vùng được điều tra, đánh giá ở 7 tỉnh; 4 tỉnh khu vực miền Tây có 55 vùng được đánh giá, trong đó, đã có những điều tra liên quan đến các vùng hải đảo để phục vụ nước cho quân đội cũng như những người dân sinh sống ở đây.
Chương trình bao gồm 3 dự án thành phần: Dự án 1 là Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; Dự án 2 là Nghiên cứu các giải pháp khoa học, công nghệ và chính sách nhằm quản lý, bảo vệ nguồn nước dưới đất, xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; Dự án 3 là Xây dựng hệ thống cấp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.
Trên cơ sở mục tiêu của Chương trình, đến nay, Bộ TN&MT đã lập được bản đồ ở những vùng đặc biệt khan hiếm nước, đã có các số liệu và bản đồ về nước ngầm, đặc biệt là các tầng nước rất khó khăn để phục vụ điều tra. Bộ cũng cung cấp các số liệu này cho các địa phương, đồng thời, đã có trao đổi để những khu vực khan hiếm nước có thể nhận được các số liệu này để khai thác. Từ kết quả thực hiện các Chương trình, thời gian qua, ở Hà Giang, khu vực miền núi, vùng cao đã có nhiều nơi được cấp nước.
Nỗ lực “xóa khát”
Thực tiễn, các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước chủ yếu là các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ đói nghèo cao, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn và yếu kém. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, các vùng này đã được Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đồng thuận, quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, dự án với quyết tâm cao.
Mặc dù, nhiều chương trình hỗ trợ nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn nhưng vấn đề cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho người dân ở các vùng còn chưa được giải quyết triệt để và gặp rất nhiều khó khăn, người dân vẫn phải đi hàng chục km để lấy nước.
Chính vì thế, Dự án Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước được đánh giá là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giải quyết lâu dài tình trạng thiếu nước sạch cho đồng bào dân tộc. Dự án thuộc Chương trình Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, giai đoạn 1 được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020 với sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT) cùng sự tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị và chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước dưới đất.
Kết quả tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 197 vùng núi cao, vùng khan hiếm nước với tổng trữ lượng khai thác đạt 117.000m3/ngày, có khả năng cung cấp nước sạch cho trên 1,4 triệu người (với định mức 80 lít/người/ngày). Sau khi được khai dẫn xây dựng mạng cấp nước cho các vùng sẽ nâng cao tỷ lệ người dân được cấp nước sạch tại các tỉnh thực hiện dự án, người dân sẽ không còn cảnh hằng ngày phải đi lấy nước ở những nơi xa khu dân cư, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số, vùng núi cao.
Đến nay, dự án hoàn thành thi công giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư cho công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 197 vùng là 307,27 tỷ đồng và lưu lượng khai thác mỗi ngày là 117.000m3/ngày. Theo đó, chi phí giá thành đầu tư cho công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước trung bình cho 1m3 nước là 720 đồng. Việc đầu tư cho công tác tìm kiếm nguồn nước phục vụ cung cấp nước sạch đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, trên 1,4 triệu người dân tại 197 vùng núi cao thuộc 37 tỉnh sẽ được hưởng lợi ích to lớn do dự án đem lại, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Có thể nói, việc đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch, hợp vệ sinh mang lại giá trị to lớn đối với người dân, làm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của người dân ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, từ đó, làm cho cuộc sống người dân dần ổn định, thêm vững tin vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực góp sức trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội.
Kết quả của dự án góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020.
Theo Báo TN&MT
Tin khác