Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến quản lý nguồn nước. Điều đó đặt ra, vấn đề cấp bách là chúng ta phải nhanh chóng sửa đổi hệ thống pháp luật về tài nguyên nước, đồng thời có những phương án quản lý, khai thác, sử dụng nước tốt, sớm để quản lý một cách bền vững.
Nhiều thách thức về chính sách quản lý tài nguyên nước
Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay có 3.450 con sông, suối có tổng chiều dài từ 10km trở lên, với tổng lượng nước khoảng 7.936 tỷ mét khối, tức là trung bình cả năm là 936.000 tỷ mét khối. Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước nhận định, với lượng tài nguyên như vậy, nếu xét theo bình quân đầu người thì Việt Nam không phải quốc gia thiếu nước. Tuy nhiên, nếu xét về sản lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 40%, có tới 60% xuất phát từ nước ngoài, thì Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước khi chỉ đạt 4.421 mét khối/người/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của Đông Nam Á là 4.900 mét khối/người/năm.
Trong khi lượng nước cố định, thì Việt Nam đang sử dụng nước không hiệu quả và chưa tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội, giá trị khai thác, sử dụng nước còn quá thấp. Có tới 81% tổng số nước dùng cho nông nghiệp và 11% là nuôi trồng, chỉ có 3% nước dùng cho sinh hoạt và 5% dùng cho công nghiệp. Tính về hiệu suất, giá trị sinh lời chỉ khoảng 2,37 USD/mét khối nước, tức là chỉ bằng 12% so với cả thế giới (19 USD/mét khối).
Mặt khác, theo ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Uỷ ban KH,CN&MT của Quốc hội cho rằng, việc quản lý nguồn nước của Việt Nam cũng đang chồng chéo như: Bộ TN&MT quản lý về nguồn nước; Bộ NN&PTNT quản lý các công trình hồ chứa, công trình thủy lợi; Bộ Công Thương quản lý công trình đập, thủy điện, Bộ Giao thông Vận tải quản lý về giao thông đường thủy... Một con sông có nhiều đơn vị, bộ ngành quản lý, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật.
Hơn nữa, các thủ tục hành chính liên quan đến việc khai thác, sử dụng nước chưa thống nhất. Chính vì chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, việc quản lý chồng chéo dẫn đến “cha chung không ai khóc”, có những việc không đơn vị nào chịu trách nhiệm cụ thể, hoặc có những văn bản chỉ đạo chồng chéo thậm chí còn trái ngược nhau; gây khó cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia khai thác nguồn nước.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho xử lý nước thải chưa tương xứng, đang được định mức là 10% giá nước, là quá thấp so với thế giới. Ví dụ như ở Israel, nếu người dân phải trả 4 USD cho 1 mét khối nước thì trong đó 3 USD cho xử lý nước thải. Hay ở châu Âu, 1 mét khối nước khoảng 2-3 euro, tiền nước cấp chỉ có 1 euro. Vì được định giá thấp nên không có doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào muốn tham gia hoạt động xử lý nước thải. Đó cũng là lý do khiến chỉ số đảm bảo an ninh nguồn nước của Việt Nam hiện là 29 năm, tức là đang ở mức rất thấp so với các nước tiên tiến.
Rõ ràng, quá trình phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa; sự gia tăng của dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng nhanh; tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để đã làm suy giảm chất lượng nước... đang là áp lực đối với Việt Nam, trong khi các văn bản pháp luật thì lại thiếu và còn nhiều điều chưa quy định. Các cấp chính quyền và cả người dân chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường, nguồn nước;… Điều đó đặt ra, vấn đề cấp bách là chúng ta phải nhanh chóng sửa đổi hệ thống pháp luật về tài nguyên nước, đồng thời có những phương án quản lý, khai thác, sử dụng nước tốt, sớm để quản lý một cách bền vững.
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Làm gì để quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước?
Những ngày qua, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã “nóng” trên nghị trường Quốc hội với phần tranh luận sôi nổi, do thời gian không cho phép, chỉ khoảng một nửa số đại biểu đã đăng ký được phát biểu tại hội trường. Các ý kiến đưa ra rất tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện sự quan tâm, lo lắng và mong muốn xây dựng Luật hoàn chỉnh, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý.
Trong đó vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm là tầm quan trọng của việc quản lý nước mặt, đồng thời yêu cầu hoàn thiện, bổ sung thêm quy định về sử dụng nước tiết kiệm trong dự thảo Luật.
Đa số các ý kiến cho rằng, vấn đề tưới tiêu tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp cần được Nhà nước quan tâm thích đáng, vì nông nghiệp là lĩnh vực sử dụng nhiều nước hơn cả. Đặc biệt, hiện nay, trong nền kinh tế tuần hoàn thì nước là ngành kinh tế có thể thu lãi lớn; mọi nguồn nước, không chỉ nước mặt mà nước ngầm, nước mặn, nước ngọt, nước lợ, thậm chí cả nước thải cũng được coi là tài nguyên và phải được sử dụng hợp lý trên nguyên tắc tiết kiệm. Và như thế, đây không phải là câu chuyện đơn ngành, mà là đa ngành.
Tuy nhiên, may mắn thay, nước là tài nguyên có thể tái tạo. Để nuôi dưỡng nguồn sinh thủy, chúng ta cần có chiến lược đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đó là chính sách phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng.
Vì vậy, các đại biểu đã đề xuất, thay vì chi trả dịch vụ môi trường rừng theo diện tích rừng, Nhà nước có thể nghiên cứu sử dụng khoảng 15%-20% từ quỹ chi trả môi trường rừng để điều tiết lại cho việc phát triển, bảo vệ nguồn sinh thủy trên toàn quốc; đưa nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng thành nguồn tài chính ổn định cho việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Việc làm này vừa giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, vừa khuyến khích các địa phương có cơ chế chuyển đổi quy hoạch rừng sản xuất sang quy hoạch rừng phòng hộ ở những khu vực có nguồn nước để bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước.
Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế đủ mạnh để bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn, quan trọng và quy chế vận hành các hồ này sao cho hài hòa lợi ích, tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên nước. Chẳng hạn, ngoài nhiệm vụ cơ bản của hồ chứa thủy điện là đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống năng lượng quốc gia thì đồng thời cần đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường. Đó là đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của vùng hạ lưu trong mùa cạn kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ. Tất nhiên, những nội dung này không thể “gói ghém” hết trong dự thảo Luật, mà cần được cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật thuộc nhiều lĩnh vực như công thương - nông nghiệp – xây dựng – môi trường- giao thông;.…
Thiết kế khung khổ pháp luật tốt và phối hợp thực hiện nhuần nhuyễn, cùng với ý thức từ mỗi người dân nâng cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và hướng tới cuộc sống xanh, chắc chắn công tác quản lý tài nguyên nước của Việt Nam ngày càng hiệu quả.
Theo Báo Bộ Tài nguyên và môi trường
Tin khác