• Loading...
 

Hỏi đáp

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện Video

In Đọc bài
Quy hoạch tài nguyên nước - hướng đến mục tiêu phát triển bền vững - Định hướng tổng thể cho các quy hoạch ngành quốc gia
Ngày xuất bản: 19/07/2022 1:53:00 CH
Lượt đọc: 2767

Quy hoạch TNN quốc gia là định hướng tổng thể cho các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác sử dụng nước khác triển khai.

 Cơ bản hoàn thành các nội dung của nhiệm vụ

Cục Quản lý TNN cho biết, đơn vị được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch TNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một quy hoạch ngành theo Quyết định số 1748/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch TNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

8-1-(1).jpg

Quy hoạch TNN quốc gia là định hướng tổng thể cho các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông

Đến nay, Cục đã cơ bản hoàn thành được các nội dung theo đúng yêu cầu của nhiệm vụ đã được Thủ tướng quy định và những yêu cầu của Luật Quy hoạch, cũng như một số nội dung liên quan đến Luật và các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Cục đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TNN quốc gia, Viện Khoa học TNN trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch này. Bên cạnh đó, Cục cũng phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các chuyên gia và các địa phương nhằm trao đổi, tổng hợp số liệu đầu vào để lập các phương án Quy hoạch.

Cục Quản lý TNN đã xây dựng Quy hoạch với quan điểm Quy hoạch TNN quốc gia là định hướng tổng thể cho các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác sử dụng nước khác triển khai.

Phạm vi của Quy hoạch bao gồm các sông liên quốc gia, liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia, nguồn nước liên tỉnh trên toàn quốc và các đảo, cụ thể: 13 lưu vực sông lớn Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai và Cửu Long; các lưu vực sông nhỏ và nhóm các sông: sông Cái Ninh Hòa, sông Cái Nha Trang, nhóm các sông Quảng Ninh (Tiên Yên, Ba Chẽ), nhóm các sông Quảng Bình (Gianh, Nhật Lệ), nhóm các sông Quảng Trị (Thạch Hãn, Bến Hải), nhóm các sông vùng Đông Nam Bộ (Cái Phan Rang, Lũy, và sông Ray); Các đảo: Vân Đồn, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc. Đối tượng quy hoạch là nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất.

Mục tiêu chung của Quy hoạch là đảm bảo an ninh TNN quốc gia, chủ động về nguồn nước cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tình huống. Bảo đảm phân bổ, điều hòa TNN một cách công bằng, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững TNN quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, góp phần đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%/năm, bảo vệ TNN, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra và hướng tới quản trị ngành nước trên cơ sở chuyển đổi số. Đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp TNN theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và là cơ sở cho việc xây dựng, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.

Xác định thứ tự ưu tiên cần xử lý

Theo Cục Quản lý TNN, thời gian qua, chất lượng nguồn nước các lưu vực sông chính đã và đang dần được kiểm soát về mức độ gia tăng ô nhiễm, đặc biệt là các đoạn sông ô nhiễm nghiêm trọng như sông Cầu (Thái Nguyên), sông Thị Vải (Đồng Nai), sông Đồng Nai (Đồng Nai, Bình Dương).

Theo dự thảo Quy hoạch, đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; đảm bảo nguồn nước góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95% - 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước từ hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%...

Trong bối cảnh đó, Quy hoạch TNN là “chìa khóa” để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước về nguồn tài nguyên này.

Quy hoạch dự báo, nhận định xu thế diễn biến tài nguyên nước mặt theo lưu vực sông cho các thời kỳ, giai đoạn 2025, 2030, 2050 và có xét đến các yếu tố BĐKH, nhận định, dự báo xu thế diễn biến mực nước dưới đất trên các lưu vực sông. Đặc biệt, Quy hoạch đã tính toán, phân tích, nhận định, đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các nhu cầu nước của tất cả các lĩnh vực và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông theo các tần suất nước các giai đoạn của quy hoạch. Kết quả này là cơ sở quan trọng để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch.

Đặc biệt, Quy hoạch đã xác định thứ tự ưu tiên, xác định các vấn đề chính của các lưu vực sông cần phải giải quyết khi thực hiện xây dựng quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Quy hoạch là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương lấy làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh chương trình, mục tiêu phát triển, cũng như các quy hoạch có hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khai thác hiệu quả TNN, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hội nhập khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, để khắc phục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cho các dòng sông, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt để có giải pháp cải thiện, phục hồi.

Bên cạnh đó, thanh kiểm tra việc xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, gây ô nhiễm nguồn nước và công bố công khai các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin, truyền thông để tạo áp lực xã hội là những biện pháp răn đe có hiệu quả.

Theo Báo TN&MT