• Loading...
 

Hỏi đáp

Thư viện hình ảnh

      

Thư viện Video

In Đọc bài
Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trong kỷ nguyên số
Ngày xuất bản: 03/03/2023 10:54:00 SA
Lượt đọc: 1690

- Hưởng ứng Ngày Nước Thế giới (22/3) và chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập, ngày 2/3, tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phối hợp cùng các đối tác quốc tế tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trong kỷ nguyên số”.

Tham dự Hội thảo có ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; đại diện lãnh đạo các đơn vị trưc thuộc Bộ, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

 

img_8962-2-.jpg
Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trên nền tảng số là xu thế hiện nay, góp phần thúc đẩy an ninh tài nguyên nước quốc gia, chủ động về nguồn nước cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tình huống; bảo đảm phân bổ, điều hòa tài nguyên nước một cách công bằng, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Vì vậy Hội thảo quốc tế năm nay với chủ đề “Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trong kỷ nguyên số” được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra quốc gia tổ chức với mong muốn hội tụ các công ty, tổ chức, các nhà quản lý của Việt Nam, trong khu vực và quốc tế để cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ cơ hội hợp tác và tìm ra các giải pháp mới, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trong thời đại 4.0 và trí tuệ nhân tạo.

 

img_9040-rs(1).jpg
Toàn cảnh Hội thảo

 

Tại Hội thảo, gần 20 bài tham luận đã được các diễn giả là những chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước Việt Nam và quốc tế chia sẻ những nghiên cứu liên quan đến quản lý nguồn nước tổng hợp, quy hoạch và điều tra tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy kết nối mạng lưới các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp phát triển giải pháp và đổi mới công nghệ quản lý tài nguyên nước trong kỷ nguyên số….

 

img_9037-2-.jpg
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia chia sẻ tại Hội thảo

 

Chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình và lưu vực sông Cửu Long, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, quá trình lập quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương để bảo đảm thống nhất giữa quy hoạch tổng hợp lưu vực sông với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có và phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn. Đồng thời, đã hợp tác, phối hợp với Đức, Hà Lan để trao đổi về kinh nghiệm Quốc tế trong việc lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thông qua các quy hoạch về tài nguyên nước của các quốc gia và xây dựng các nội dung của quy hoạch. Ngoài ra, trong quá trình lập Quy hoạch cũng có sự tham gia tâm huyết của các chuyên gia đầu ngành về tài nguyễn liên quan nước.

Các Quy hoạch đã được các chuyên gia, nhà khoa học xem xét 5 nhóm vấn đề lớn cần giải quyết như: Tài nguyên nước; quản lý tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra.

Bàn về các giải pháp thực hiện thành công Quy hoạch trong thời gian tới, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, Quy hoạch cần hướng tới phục hồi nguồn nước, cảnh quan môi trường; khắc phục hạ thấp lòng dẫn, mực nước ở Đồng bằng sông Hồng; vận hành liên hồ chứa; dòng chảy xuyên biên giới; bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Đáng chú ý là giải pháp hướng tới phục hồi nguồn nước, cảnh quan môi trường (cải tạo, phục hồi sông Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải, Ngũ Huyện Khê bằng các giải pháp công trình và phi công trình). Theo đó, giải pháp công trình gồm cải tạo hệ thống công trình đầu mối gồm, cống Vân Cốc, Đập Đáy và nạo vét sâu toàn bộ lòng dẫn sông Đáy. Xây dựng cống Vân Cốc thay thế cống Vân Cốc cũ và Đập Đáy, nạo vét sông Đáy từ Vân Cốc đến Phủ Lý.

Giải pháp phi công trình như: kiểm soát các nguồn thải, không để tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước các sông Nhuệ, Đáy, Cầu, Thương nghiêm trọng hơn. Kết hợp các giải pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước, đáy sông và chuyển nước giữa các sông để khôi phục chất lượng nước, dòng chảy, cảnh quan môi trường trên các sông. Đồng thời, sớm hoàn thành các nhiệm vụ: Điều tra đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi các dòng sông Nhuệ - Đáy, Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt.

 

img_9066-2-_rs.jpg
TS. Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tham luận tại Hội thảo

 

Tham luận về việc xây dựng hệ thống thông tin, điều hành tác nghiệp và Chiến lược chuyển đổi số của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, TS. Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, ngày 28/6/2021, Trung tâm đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TNNQG phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số trong công tác Quy hoạch, điều tra và bảo vệ tài nguyên nước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Trung tâm phấn đấu hoàn thiện 100% kiến trúc chuyển đổi số, công tác điều tra, khảo sát, đo đạc trên nền tảng số; xya dựng hạ tầng dữ liệu của 13 lưu vực sông lớn; xây dựng và vận hành hệ thống tác nghiệp số trong điều tra, khảo sát, quan trắc tài nguyên nước trên nền tảng số; đồng thời cung cấp dịch vụ công giám sát, dự báo, cảnh báo về tài nguyên nước.

Theo ông Triệu Đức Huy, hiện nay, Trung tâm đang xây dựng, hoàn thiện kho dữ liệu tài nguyên nước tập trung, thống nhất, áp dụng giải pháp công nghệ quản lý dữ liệu lớn (big data, data lake) nhằm quản lý toàn diện tài nguyên số về tài nguyên nước của Trung tâm. Cùng với đó, hệ thống quản trị, điều hành, tác nghiệp tài nguyên nước trực tuyến với các hệ thống nhỏ được tích hợp như: bản đồ trực tuyến, quản trị dữ liệu lớn, quản lý nhiệm vụ chuyên môn, kiểm soát an ninh, điều tra khảo sát tài nguyên nước đã và đang được sử dụng, phục vụ hiệu quả công tác quản trị, điều hành và tác nghiệp tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, bàn về giải pháp đảm bảo hạ tầng thông tin dữ liệu và chuyển đổi số trong quy hoạch điều tra tài nguyên nước, Tiến sỹ Thân Văn Đón, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu tài nguyên nước cho biết, cần ứng dụng Quản trị kết quả điều tra, lập kế hoạch, quản lý tiến độ; sử dụng các ứng dụng di động dành cho điều tra viên ngoài thực địa nhằm giảm thời gian thu thập dữ liệu ngoài thực địa; Rút ngắn được thời gian tổng hợp tài liệu và công tác văn phòng (từ 1 tháng xuống còn 3-5 ngày, mà vẫn đảm bảo độ chính xác và tin cậy); giảm được các chi phí mua sắm thiết bị truyền thống trong công tác thực địa như Nhật ký, GPS, bản đồ… Tăng hiệu quả và độ tin cậy của dữ liệu khảo sát; Phục vụ đắc lực hiệu quả cho công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện dự án

Ngoài ra cần ứng dụng Hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp tài nguyên nước nhằm hỗ trợ đánh giá, dự báo, cảnh báo thực hiện tối đa công tác tự động hoá, vận hành thông minh từ khâu xử lý đầu vào dự báo; hỗ trợ ra quyết định kết nối các mô hình toán, xuất bản bản tin tự động trên các lưu vực sông; làm giảm đáng kể thời gian thực hiện, tính toán, biên tập bản tin dự báo, cảnh báo tài nguyên nước…

 

img_9060.jpg

Ông Renck Andreas, Trưởng dự án tăng cường bảo vệ nước ngầm ở Việt Nam chia sẻ về tăng cường quan trắc, giám sát và bảo vệ nước dưới đất Đồng bằng sông Cửu Long dựa vào cộng đồng

 

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp như: tích hợp mô hình và dữ liệu lớn trong mô phỏng hệ thống tài nguyên nước; bảo vệ nước dưới đất ở một số đô thị lớn; các giải pháp trữ nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Tăng cường quan trắc, giám sát và bảo vệ nước dưới đất Đồng bằng sông Cửu Long dựa vào cộng đồng….

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường