Hàng chục vạn mét khối đất đã ập xuống sau bão số 3 tại tỉnh Yên Bái đã khiến nhiều nhà sập hoàn toàn, hàng nghìn ngôi nhà khác đã hư hỏng hoặc có nguy cơ hư hỏng. Các địa phương như phường Yên Ninh, Nguyễn Thái Học, Minh Tân, Nam Cường…, thành phố Yên Bái là những địa phương có nhiều nhà bị sập đất nhất. Theo đồng chí Cao Quý Duy, Bí thư Đảng ủy phường Yên Ninh, trên địa bàn phường có tới gần 700 ngôi nhà bị sạt lở đất, nhiều khu dân cư bị thiệt hại rất nặng như khu vực dọc đường Điện Biên, đường Cao Thắng…
Khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng cứu giúp người dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn; rà soát nguy cơ sạt lở, thông báo cho người dân mức độ nguy hiểm… Tuy nhiên, thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp, nhiều quả đồi trong khu vực thành phố Yên Bái đã xuất hiện những vết nứt lớn, kéo dài, nguy cơ sạt lở đất vẫn ở mức rất cao và gần như không tránh khỏi; đặc biệt tại những nơi có ta luy dương cao, nhà làm sát chân ta luy, đã sạt nhưng chưa đổ nhà mà chỉ dừng lại ở mức nứt tường… Ứng cứu kịp thời, cụ thể là đào, vận chuyển đất tại những nơi đã sạt và nguy cơ tiếp tục sạt lở đang rất bức thiết, cần có cơ chế thông thoáng và đa dạng nguồn lực.
Như chúng ta đã biết, luật pháp đã có những quy định cụ thể và chặt chẽ đối với việc san tạo mặt bằng như: Điều 12, 25, 170… của Luật Đất đai. Bên cạnh đó là các quy định của UBND tỉnh, UBND thành phố. Ngoài ra còn các quy định khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ (trong quá trình mở lối vào công trường; nơi đào, quá trình vận chuyển, nơi đổ đất...).,Việc tuân thủ các quy định phải qua nhiều khâu xét duyệt, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, tốn rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, các bước theo quy trình, quy định như đã nói ở trên chỉ nên diễn ra trong điều kiện bình thường, khi thiên tai ập đến, khi tình huống nguy cấp xảy ra, chúng ta cần áp dụng biện pháp linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho người dân.
Được biết, thời gian vừa qua, tỉnh Yên Bái, đặc biệt là thành phố Yên Bái và chính quyền cơ sở đã có những chỉ đạo kịp thời, giúp dân khắc phục hậu quả. Có thể nói đó là những động thái "xé rào" của cán bộ lãnh đạo, hành động dám làm, dám chịu trách nhiệm trong bối cảnh cấp bách, vì sự an toàn của người dân.
Bà Nguyễn Thanh Xuân – phương Yên Ninh cho biết: "Cảm ơn cấp trên đã tạo điều kiện cho mấy chục hộ dân chúng tôi thuê xe, máy về dọn bùn đất, sửa mái ta luy phía sau. Lượng đất rất nhiều, trên đồi có những vết nứt rất lớn, không làm nhanh, chúng tôi sẽ mất nhà”.
Kinh phí để đào và vận chuyển đất sạt lở là rất lớn, bình quân đào và vận chuyển 1m3 đất trong nội thị có giá từ 35 đến 60 nghìn đồng, tùy điều kiện thi công, vị trí đào, cự ly vận chuyển… Với mức giá này và với lượng đất nhiều vạn mét khối thì số tiền là cực kỳ lớn. Giải pháp trước mắt là huy động nguồn lực xã hội hóa, dân tự bỏ tiền để cho gia đình mình được an toàn. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm nghề san tạo mặt bằng cũng cần chia sẻ với người dân, tính toán mức giá vừa phải. Đành rằng, kinh doanh là phải có lãi, làm là phải có công; tuy nhiên trong bối cảnh thiên tai, đồng bào mình chịu khổ đau, mỗi người, mỗi nhà, mỗi doanh nghiệp cần phát huy tinh thần trách nhiệm xã hội để sẻ chia, giúp đỡ. Khi thiên tai xảy ra, nhiều người không trông chờ Nhà nước đến cứu giúp mà biết đứng lên tập hợp nhau lại, họp bàn, hùn tiền, thuê người đến đào, đánh đất; đã có những hội, nhóm không chia tỷ lệ (nhà nhiều đất nộp nhiều, nhà ít đất nộp ít) mà cào bằng, đặc biệt, nhà có điều kiện hơn thì góp nhiều tiền hơn.
Anh Đỗ Thành Nghĩa, nhà trên đường Điện Biên cho biết: "Sập đất đã làm hư hỏng nhiều tài sản của gia đình, tổng thiệt hại chắc chắn hơn 300 triệu đồng, trong đó chưa kể tiền đánh đất. Vợ chồng tôi đã tự nguyện ủng hộ bà con trong nhóm hộ 30 triệu đồng, bên cạnh đó cùng với một số thành viên khác đứng ra quán xuyến trong quá trình thi công”.
Việc khắc phục tình trạng sạt lở đất tại thành phố Yên Bái đã xuất hiện một số vấn đề. Đầu tiên là thiếu chỗ đổ đất. Có lẽ đây là khó khăn lớn nhất. Nhiều vị trí tại các xã Bảo Hưng, Minh Quân, Giới Phiên… đã bắt đầu quá tải khi toàn bộ bùn đất từ nội thị đều chuyển sang đó. Nhiều hộ dân ở phường Nam Cường muốn cứu nhà nhưng không có chỗ đổ đất hoặc có thì vận chuyển đi quá xa, kinh phí sẽ đội lên. Quá trình vận chuyển đất cũng đã xuất hiện tình trạng cẩu thả: thiếu an toàn tại vị trí đào đất; quá trình vận chuyển khiến đất rơi vãi; nhiều hộ gia đình đào đất đổ thẳng ra lòng đường, không bố trí xe vận chuyển ngay khiến cản trở giao thông, mưa thì lầy, nắng thì bụi.
Có hay không tình trạng lợi dụng thiên tai, tranh thủ san tạo mặt bằng, đổ đất không phép, sai phép, tự ý thay đổi hiện trạng đất… ở thành phố Yên Bái cũng là câu hỏi đặt ra. Trong bối cảnh cán bộ các cơ quan, ban ngành vừa lo công việc chuyên môn, vừa lo dọn bùn đất ở cơ quan vừa lo khắc phục hậu quả ở gia đình mình, người thân của mình… chắc chắn sẽ không thể quán xuyến được hết. Tuy nhiên, những hành vi lợi dụng thiên tai nói chung, tranh thủ đánh đất, san tạo mặt bằng nói riêng cần phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
Tình trạng đất của gia đình nhà khác, trên đất có cây cối, hoa màu nhưng lại sạt hoặc nguy cơ sạt xuống nhà hàng xóm, việc đào và vận chuyển đi là cấp bách song cũng đã xuất hiện tình trạng hộ có đất gây khó khăn (không cho đào, đánh; cho nhưng đòi bồi thường với giá cao…) đã diễn ra, gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ảnh hưởng đến tiến độ thi công… Vấn đề này cũng rất cần có sự sẻ chia lẫn nhau và cần bàn tay của chính quyền cơ sở.