Ngày 14/10, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hà Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho rằng: Quản lý nhà nước về Tài nguyên nước là nhu cầu khách quan, là công cụ quan trọng để bảo vệ và điều tiết các lợi ích gắn liền với nguồn nước. Nhiệm vụ này luôn cấp bách và đòi hỏi cần đổi mới cụ thể và phù hợp để đáp ứng các yêu cầu quản lý và tương xứng với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn.
Ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước phát biểu tại Hội nghị.
Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã góp phần tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Ông Hà Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tỉnh Yên Bái đã phê duyệt các Quy hoạch về tài nguyên nước. Lập, ban hành danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh, danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp... Đây là hành lang pháp lý quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Hoạt động khai thác nước của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết: Hiện nay, Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023. Chính phủ ban hành 02 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, gồm Nghị định số 53/2024/NĐ-CP và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP. Đồng thời, Bộ TN&MT cũng đã ban hành 03 Thông tư hướng thi hành Luật, đảm bảo có hiệu lực đồng bộ với thi hành Luật Tài nguyên nước, ngày 01/7/2024.
Các đại biểu đã đưa ra các ý kiến, thảo luận sôi nổi.
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến, Luật Tài nguyên nước năm 2023 có bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản lý. Việc quản lý thông qua 4 nhóm chính sách được thể hiện xuyên suốt trong Luật gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Trong đó, 4 nhóm chính sách này được thể hiện xuyên suốt nội dung Luật Tài nguyên và các văn bản hướng dẫn với các điểm mới được bổ sung tại 86 điều, kết cấu thành 10 chương.
Các chuyên gia đã trao đổi, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các đại biểu trong quá trình nghiên cứu, triển khai Luật tài nguyên nước 2023.
Tại Hội nghị, trên cơ sở các quy định của Luật Tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, các chuyên gia đã trao đổi, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các đại biểu trong quá trình nghiên cứu, triển khai các Luật tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật tại địa phương. Đặc biệt, là những nội dung về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và những vấn đề trong thực tiễn khi áp dụng triển khai thực hiện hệ thống pháp luật tài nguyên nước tại địa phương.