Tuyệt đối không chủ quan trước mưa lũ
Tính đến sáng ngày 16/9, hoàn lưu bão số 3 đã làm 54 người chết và mất tích, thiệt hại 25.159 nhà ở, ngập nước 22.451 nhà; thiệt hại nặng về nông nghiệp, cơ sở hạ tầng... với tổng thiệt hại ước
4.635 tỉ đồng. Đây là tổn thất nặng nề, nhất là đối với một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn như Yên Bái.
Yên Bái là tỉnh có địa bàn rộng, nhiều đồi núi, khe suối, độ dốc cao, dân cư không tập trung nên nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, ngập úng luôn thường trực, nhất là mùa mưa bão, đặc biệt đối với các địa phương: Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên và thành phố Yên Bái.
Mấy năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng có những ảnh hưởng cực đoan khiến thời tiết thay đổi bất thường. Mưa lũ tần suất nhiều hơn, cường độ cao và bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay.
Trong đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, thực tế cho thấy, nhiều địa điểm tưởng chừng như thiên tai không bao giờ "ngó" đến, nhưng nay lại chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhất là ở thành phố Yên Bái.
Dẫu biết rằng, trước siêu bão số 3, đặc biệt là hoàn lưu của bão, từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện, kế hoạch... ứng phó. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các xã, phường, tổ dân phố thông qua loa phát thanh, mạng xã hội như: Zalo, Facebook....thông báo rộng rãi về mức độ tàn phá mà cơn bão đi qua; trong đó yêu cầu các hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt có phương án di chuyển tài sản và người đến nơi an toàn.
Những cảnh báo đó cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân sống trong vùng nguy hiểm sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt nhận thức được mức độ nguy hiểm đã di dời đến nơi an toàn hơn. Song, cũng không ít hộ dân có tâm lý chủ quan, nhất là nhiều hộ sống ở các trục đường giữa lòng thành phố.
Họ cho rằng, sống ở đây đã 50 - 60 năm rồi chưa bao giờ nước dâng lên đến đây. Có người bảo: "Nếu chỗ tôi mà nước lên thì cả thành phố chìm trong nước". Có bác hùng hồn: "Chú không cần nhắc tôi. Đồi, taluy sau nhà tôi không bao giờ sạt vì nhà tôi đã kè chắc chắn"...
Rút cuộc thì sao? Trong đợt mưa lũ vừa qua, ngoài thiệt hại nặng nề cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, đường điện thì trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 54 người bị chết mà trong đó 50 người chết do sạt lở đất, 1 người mất tích; 36 người bị thương, hàng chục ngôi nhà bị thiệt hại. Nhiều khu vực tưởng chừng không bao nước dâng đến thì nay bị ngập từ 1 đến 3m nước, thậm chí 5m, thiệt hại rất nhiều tài sản có giá trị mà cả cuộc đời họ đã dành dụm mua sắm. Nhiều gia đình đã trắng tay vì chủ quan với thiên tai.
Vậy đâu là nguyên nhân? Trước hết, nguyên nhân chính là do thiên tai gây ra. Những cũng phải nói rằng, trong những năm gần đâu, việc cảnh báo thiên tai bão lũ; hoàn lưu sau bão, cảnh báo sạt lở đất đá vùng cao; ngập úng ở vùng trũng, thành phố...đã được các cơ quan chức năng cảnh báo sớm và chính xác. Tuy nhiên, đâu đó, không ít người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, tâm lý cho rằng mưa lũ sẽ không bao giờ đến mức độ như thế nên dẫn đến những thiệt to lớn về người và tài sản.
Còn về sạt lở đất, đá dẫn đến chết người. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn hàng này đã liên tục phát đi cảnh báo, trong đó nhấn mạnh đến những dấu hiệu nhận biết như: mưa nhiều ngày, mưa lớn, các dòng nước lẫn bùn rỉ ra dưới chân sườn dốc, cây cối trồng trên sườn dốc bị nghiêng đổ; vết nứt tường nhà, sườn đồi, mái dốc; nước sông, suối từ trong chuyển màu thành nước đục; mặt đất phồng lên có âm thanh lạ trong lòng đất...Cảnh báo là vậy nhưng không ít người dân do tâm lý tiếc của ở lại trông nom tài sản hoặc khi phát hiện ra thì đã quá muộn dẫn đến những vụ sạt lở nghiêm trọng, nhiều người đã ra đi mãi mãi.
Bài học từ thiên tai
Thực tế đã cho thấy, sức tàn phá của siêu bão số 3 và hoàn lưu của nó là quá khủng khiếp, nhiều chuyên gia ví đây là thảm họa. Ở Yên Bái, dù đã trải qua nhiều đợt mưa lũ ở các năm: 2005, 2008, 2017, 2018, 2023 nhưng ảnh hưởng của siêu bão số 3 năm nay đã vượt mọi dự tính, với ước tính thiệt hại sơ bộ đến nay là trên 4.635 tỉ đồng.
Vậy bài học và kinh nghiệm rút ra từ hoàn lưu bão số 3 là gì? Theo các chuyên gia đầu ngành về phòng chống thiên tai, trước hết phải làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng chống thiên tai, xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập ứng phó với các cấp độ thiên tai có thể xảy ra phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiêm cứu nạn tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và trực tiếp có mặt tại hiện trường nơi xảy ra thiên tai để chỉ đạo ứng phó khắc phục hậu quả.
Phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, diễn biến thiên tai và công tác chỉ đạo, thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; duy trì chế độ thông tin báo cáo theo quy định. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, hiện đại hóa công cụ hỗ trợ, số hóa bộ cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai.
Bộ đội giúp dân dọn đất bùn sau lũ
Thực hiện tốt phương châm "Bốn tại chỗ”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; đặc biệt phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở, lực lượng đầu tiên tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin với các tỉnh, nước bạn để áp dụng các giải pháp phù hợp, tận dụng nguồn nước hiệu quả trong việc sản xuất, giảm lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi và điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
Khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên như: tìm kiếm cứu nạn, di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao tiếp tục lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, giữ vững an ninh trật tự tại các khu vực chịu ảnh hưởng; khôi phục sản xuất, hỗ trợ tái định cư, từng bước ổn định đời sống nhân dân; sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi, công trình dân dụng bị hư hỏng.
Cùng với đó là huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai (từ nguồn ngân sách Trung ương; nguồn ngân sách tỉnh và nguồn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước).
Phát huy vai trò của thông tin, truyền thông, nhất là trong giai đoạn ứng phó, bởi khi người dân và các cấp chính quyền nắm bắt kịp thời thông tin, kỹ năng để ứng phó thì sẽ hạn chế được thiệt hại và nhanh chóng khắc phục hậu quả, đồng thời định hướng dư luận, không gây hoang mang, bất ổn xã hội.
Đến nay, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cấp ủy, chính quyền cùng sự nỗ lực của các lực lượng công an, quân đội, các sở, ngành, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn và các tổ chức tình nguyện trong và ngoài tỉnh, Yên Bái đang tập trung giúp người dân vùng lũ nhanh chóng khắc phục khó khăn, dọn dẹp nhà cửa, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Thiên tai, bão lũ không ai nói trước điều gì nhưng qua hoàn lưu của siêu bão số 3 lại rút ra một bài học đắt giá cho những ai còn tâm lý chủ quan trước những diễn biến bất thường của thời tiết. Vì vậy, hơn bao giờ hết, ngoài sự chủ động của chính quyền địa phương, người dân, nhất là những hộ sinh sống trong vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, ngập úng cần nâng cao ý thức ứng phó với thiên tai, đồng thời phải hết sức cảnh giác để bảo vệ tính mạng của chính bản thân và gia đình mình cũng như tài sản. Có như vậy sẽ không còn những câu chuyện xé lòng - chồng mất vợ, vợ mất chồng, con mồ côi cha mẹ... xảy ra mỗi khi mưa lũ đổ về!