Để hiểu rõ hơn về lợi ích mà chuyển đổi số ngành khí tượng thủy văn (KTTV) đem lại, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xung quanh vấn đề này.

PV: Năng lực dự báo, cảnh báo KTTV của Việt Nam hiện đang vươn lên đứng tốp đầu ở khu vực Đông Nam Á. Vậy chuyển đổi số đã góp sức như thế nào trong nỗ lực này, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Chuyển đổi số, cùng các công cụ chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần thể hiện sức mạnh vượt trội so với các công nghệ dự báo truyền thống; góp phần tạo ra những bản tin thời tiết, thiên tai có độ chính xác cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH). Điều này cũng hỗ trợ hiệu quả công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phát triển kinh tế xã hội bền vững của toàn cầu.

Được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, ngành KTTV đang từng bước làm chủ các công nghệ hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số một cách toàn diện vào trong các lĩnh vực của ngành. Điều này giúp từng bước thay đổi đáng kể năng lực dự báo cảnh báo KTTV, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nền KTTV mạnh trong khu vực Đông Nam Á.

Mạng lưới quan trắc KTTV đã có bước tiến rõ nét trong 5 năm trở lại đây, với việc nâng cấp và lắp mới mạng lưới radar thời tiết, bao gồm 10 trạm radar hiện đại trải khắp mọi miền đất nước và mạng lưới đo mưa tự động với hơn 2.000 trạm.

Năm 2019, ngành KTTV đã triển khai hệ thống siêu máy tính đầu tiên tại Việt Nam (CrayXC40), cho phép thực hiện bài toán dự báo thời tiết ở quy mô 2-3 km cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và Biển Đông, dự báo 3 ngày trong thời gian 30-40 phút. Đây là một trong những hệ thống tính toán mạnh trong khu vực Đông Nam Á, tương đương với hệ thống CrayXC40 của Cơ quan khí tượng Singapore. Nhờ đó, các tính toán, phân tích dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai, từ ngày, tuần đến tháng với độ chính xác cao hơn.

Hiện nay, ngành KTTV đang xây dựng và phát triển hệ thống quản lý dữ liệu dùng chung cho toàn ngành. Dữ liệu được chia sẻ đến các đơn vị cấp trên phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo về phòng chống thiên tai như Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai giúp ra quyết định chỉ đạo tốt hơn. Với việc ứng dụng hệ thống mô hình dự báo thời tiết số trị, các đơn vị dự báo nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục KTTV đã có thể thông tin dự báo chi tiết tới 600 địa điểm cụ thể tại thị trấn, thị xã, thành phố.

Nhờ có ứng dụng chuyển đổi số, đặc biệt ứng dụng các công cụ dự báo cảnh báo thông minh Smartmet, Hệ thống cảnh báo lũ quét sạt lở đất khu vực Đông Nam Á, ngành KTTV đã tiến hành cải tiến, thay đổi, điều chỉnh cả về hình thức và nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo theo hướng rõ hơn, chi tiết hơn về ảnh hưởng của bão, mưa, lũ. Ví dụ, bản đồ dự báo bão dễ tham khảo hơn; đã nhận định rõ hơn về diễn biến mưa, vùng và thời gian có gió mạnh, sóng lớn; khu vực các huyện miền núi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao; các bản tin dự báo bão, lũ được phát sớm hơn từ 30 phút đến 1 giờ so với trước đây và chuyển ngay đến các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh để kịp thời phục vụ địa phương. Đã đưa được cấp độ rủi ro thiên tai vào bản tin, qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ, từng bước tiến tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro. Hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn được các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Các ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số từ quan trắc, truyền tin, dữ liệu và dự báo KTTV đã góp phần nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ; đối với nhiều cơn bão có quỹ đạo ổn định đã dự báo trước từ 60-72 giờ, cảnh báo trước 48-72h các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại.

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV từ Trung ương đến địa phương đã tích cực nghiên cứu và từng bước thực hiện ứng dụng AI để hỗ trợ dự báo, cảnh báo KTTV. Tổng cục cũng đã phối hợp với các Viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu toán, AI cập nhật, đưa vào các công cụ mới để tăng cường tính tự động hóa trong việc thiết lập các loại hình bản tin dự báo KTTV; bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.

PV: Với nguồn dữ liệu lớn, ngành KTTV có nhiều tiềm năng ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại nhưng vì sao chưa thể phát huy được thế mạnh này, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Ngành KTTV Việt Nam có mạng lưới quan trắc được bố trí trên các vùng miền toàn quốc và đang chuyển dần từ thủ công sang tự động, nhằm đảm bảo các số liệu tin cậy kịp thời. Hiện nay, khối lượng dữ liệu lớn trung bình 17.000 GB/năm là tiềm năng để ứng dụng các công nghệ big data, AI nhằm cải thiện độ chính xác, năng lực tính toán các bài toán thời tiết, thiên tai phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH.

Mặc dù vậy, tỷ lệ tự động hóa của hệ thống KTTV mới chỉ đạt 10-20% (trừ hệ thống đo mưa gần 100%). Hệ thống cơ sở dữ liệu còn thiếu và khả năng lưu trữ dữ liệu chưa đáp ứng được điều kiện ứng dụng các công cụ big data hay AI, chưa tính đến việc lưu trữ các số liệu của các mô hình dự báo. Thêm vào đó, hệ thống siêu máy tính XCRAY 40 mới được trang bị có hiệu năng tính toán cao, tuy nhiên chỉ tương đương các quốc gia có nền KTTV phát triển như Hàn Quốc cách đây 20 năm. Thế hệ siêu máy tính mới đã có tốc độ tính toán 51.000 TFLOPS, trong khi đó, Tổng cục KTTV mặc dù có hệ thống siêu máy tính có tốc độ cao nhất Đông Nam Á cũng chỉ mới có 88 TFLOPS.

Cơ sở hạ tầng chuyển đổi số là nền tảng quan trọng cho việc chuyển đổi số thành công, bởi vậy phát triển cơ sở hạ tầng chuyển đổi số là một trong những thách thức không nhỏ cho Ngành KTTV.

 

 

 

5bb.jpg
Vận hành Trạm đo mưa Trường Sa trong hệ thống trạm đo mưa tự động của Ngành KTTV

 

 

 

PV: Bên cạnh cơ sở hạ tầng, lộ trình chuyển đổi số của ngành còn đang đối mặt với những thách thức nào nữa, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Chuyển đổi số là định hướng ưu tiên chiến lược của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu của thế giới. Cần nhìn nhận đây là một vấn đề mới ở Việt Nam, bởi vậy nhận thức về chuyển đổi số chưa toàn diện, đồng đều ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Ngành KTTV cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù công tác chuyển đổi số mới được đề cập và đẩy mạnh trong những năm gần đây, tuy nhiên nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng chuyển đổi số, văn hóa chuyển đổi số cần nhiều thời gian để cán bộ KTTV tiếp thu và thực hiện. Khó khăn chính là thay đổi thói quen từ truyền thống sang sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, hoạt động trên môi trường mạng. Việc từ bỏ những phương thức làm việc quen thuộc và tiếp cận với các công cụ, quy trình mới đòi hỏi một sự kiên nhẫn và tinh thần sẵn sàng thay đổi mạnh mẽ. Đây không chỉ là vấn đề về kỹ thuật mà còn liên quan đến ý chí và văn hóa của tổ chức.

Ngành KTTV hiện nay có nguồn nhân lực dồi dào, trải dài trên khắp cả nước. Tuy nhiên, nguồn nhân lực về chuyển đổi số còn tương đối hạn chế, đặc biệt về công nghệ thông tin, công nghệ mới như IOT, AI, big data. Với đặc thù của ngành KTTV cần có chính sách thu hút được các cán bộ công nghệ thông tin, viễn thông, viễn thám chất lượng cao... Bởi, sự thiếu hụt nhân lực đã và đang là vấn đề quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển ngành.

Nhu cầu xã hội đặt ra ngày càng cao đối với các sản phẩm thời tiết phục vụ các hoạt động sản xuất sinh hoạt. Việc đáp ứng yêu cầu thông tin dự báo cảnh báo thiên tai chính xác, kịp thời phục vụ công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng là áp lực đáng kể đối với ngành KTTV trong thời gian tới, đòi hỏi sự nỗ lực thay đổi đột phá của ngành, đặc biệt trong công tác ứng dụng chuyển đổi số. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành KTTV buộc phải đổi mới sáng tạo, tiếp cận và ứng dụng thành thạo các công nghệ mới nếu không muốn tụt hậu phía sau.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!