Bao phủ hơn một nửa bề mặt đất của trái đất là các vùng đất chăn thả, sản xuất ra rất nhiều thịt, sữa, chất xơ… góp phần nuôi sống hàng tỷ người. Tuy nhiên, theo báo cáo mới của Liên hợp quốc, có tới 50% diện tích đất chăn thả hiện đang bị suy thoái.
Một trong những thảo nguyên rộng lớn của vùng Cerrado (Brazil) đang bị sa mạc hóa
Trung Á và Mông Cổ là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó ở Bắc Mỹ, các đồng cỏ cổ xưa, thảo nguyên và sa mạc phía Nam cũng đang mất đi tính đa dạng sinh học mang tính biểu tượng. Báo cáo cảnh báo việc thiếu dữ liệu làm suy yếu các nỗ lực quản lý đất đai bền vững.
Hiện chỉ có 12% trong số 80 triệu km2 vùng đất chăn thả trên thế giới được bảo vệ. Ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu, nhiều vấn đề khác đang gây ra hiện trạng sa mạc hóa hệ sinh thái đất chăn thả, góp phần làm suy giảm vùng đất chăn nuôi, chủ yếu xuất phát từ việc quản lý đất đai kém (như giải phóng mặt bằng, khai thác mỏ, chăn thả quá mức…).
Theo nhà sinh vật học Pedro Maria Herrera Calvo, tác giả chính của báo cáo, ở một số khu vực, các vấn đề xung đột và biên giới cũng góp phần đáng kể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái đất chăn nuôi.