Ngày 28/10, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký báo cáo về nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4, trong đó đề cập tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư.
 
Thống kê từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số cán bộ, công viên chức thôi việc là 39.552, chiếm 1,94% tổng số biên chế. Trong đó, bộ ngành có 7.102 người, địa phương 32.450 người.
 
Khoảng 50% số người thôi việc có trình độ đại học. Trong đó ngoài gần 4.700 tiến sĩ, thạc sĩ, còn có 133 bác sĩ chuyên khoa II; 1.066 bác sĩ chuyên khoa I. Các ngành có số thôi việc nhiều nhất là giáo dục đào tạo 16.427; y tế 12.198. Hơn 25.610 công chức, viên chức thôi việc từ 40 tuổi trở xuống.
 
Ở chiều ngược lại, 23 bộ, ngành và 63 địa phương đã tuyển dụng được 144.000 công chức, viên chức. Trong đó, viên chức giáo dục đạt gần 74.500 và viên chức y tế hơn 38.000.
 
Bộ Nội vụ đánh giá số công chức, viên chức thôi việc tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hệ thống dịch vụ khu vực ngoài nhà nước phát triển nên nhiều cơ hội việc làm. Việc dịch chuyển này là xu hướng tích cực "vào - ra theo cơ chế thị trường", xu thế của sự phát triển, vận động của kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
 
Tuy nhiên, Bộ nhìn nhận thực trạng này cũng đặt ra yêu cầu cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý cán bộ, công viên chức để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc cho tổ chức.
 
Lý giải nguyên nhân khách quan của thực trạng này, Bộ Nội vụ cho rằng việc chuyển dịch từ công sang tư của nhân lực để phù hợp với chuyên môn được đào tạo hoặc muốn thay đổi môi trường làm việc. Cơ chế tự chủ và xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công cũng tạo điều kiện để viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều cơ hội thay đổi việc làm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo quan hệ cung - cầu lao động giữa khu vực công và tư. Hiện tượng này đang diễn ra ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Singapore.
 
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ Nội vụ cho rằng nhân lực thôi việc cũng do thu nhập, lương thưởng, chế độ đãi ngộ thấp; công tác xây dựng, quy hoạch đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chuyên gia của cơ quan Nhà nước chưa tốt; công viên chức bị áp lực do quá tải công việc trong khi vẫn đang trong giai đoạn tinh giản biên chế...
 
Trước mắt, Bộ Nội vụ cho biết sẽ có biện pháp tổ chức lao động khoa học để bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho lao động và quan tâm cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện cho công chức, viên chức yên tâm công tác; ưu tiên, hỗ trợ kịp về vật chất đối với công viên chức có hoàn cảnh khó khăn.
 
Về lâu dài, Bộ Nội vụ đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Bộ sớm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng, các chuyên gia cho các ngành, lĩnh vực cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; sớm hoàn thiện cơ chế khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, chuyên nghiệp, hiện đại.
 
Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày, bắt đầu từ chiều 3/11. Bên cạnh Bộ trưởng Nội vụ, người đừng đầu các bộ ngành Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Tổng Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng, các phó thủ tướng sẽ tham gia trả lời chất vấn vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.
 
Nội dung chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ bắt đầu từ chiều 4/11, gồm các vấn đề: Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập; việc cải cách chính sách tiền lương. Lãnh đạo Bộ cũng giải trình các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức thôi việc; việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.