Nghĩa Sơn thực hiện cuộc "cách mạng" về môi trường
Ngày xuất bản: 06/09/2024 8:44:00 SA
Lượt đọc: 94
Nghĩa Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái) - nơi có hơn 90% dân tộc Khơ Mú sinh sống. Nhận thức công tác vệ sinh môi trường là một trong những tồn tại, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, xã Nghĩa Sơn đã đang thực hiện cuộc “cách mạng” về môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Các tổ tuyên truyền, vận động thôn Nậm Tộc giúp các hộ dân gia cố, dựng lại chuồng trại xa nhà.
Lâu nay, những thói quen, tập tục lạc hậu cùng điều kiện đất đai hạn chế nên tình trạng sinh sống mất vệ sinh môi trường, nuôi, nhốt, buộc trâu dưới gầm sàn vẫn còn diễn ra tại nhiều hộ gia đình ở xã Nghĩa Sơn. Đặc biệt, ý thức vệ sinh môi trường hạn chế nên việc thả rông trâu, bò, để cho chúng mặc sức phóng uế nên đường làng, ngõ xóm rất mất vệ sinh. Điều này không chỉ gây mùi khó chịu, dễ phát sinh bệnh tật ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cho gia đình và những người xung quanh mà còn mất mỹ quan môi trường sống.
Bà Mè Thị O ở thôn Nậm Tộc chia sẻ: "Con trâu, con bò là tài sản quý phải để ở gần nhà. Gia đình cũng không có điều kiện làm chuồng trại nên tận dụng luôn gầm sàn để nhốt. Cũng thấy bẩn đấy nhưng quen rồi”.
Nhận thức được những tồn tại, hạn chế, xã đã chỉ đạo các thôn, bản tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã phối hợp với ban công tác mặt trận các thôn bản thành lập các tổ, đội tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp đỡ các hộ di chuyển chuồng trại ra xa nhà. Các thôn, bản đã xây dựng hương ước, quy ước về công tác vệ sinh môi trường để các hộ dân thống nhất, ký cam kết thực hiện.
Ông Vì Văn Sang - người có uy tín trong cộng đồng ở thôn Nậm Tộc cho biết: "Thôn đã xây dựng được hương ước, quy ước gồm các nội dung chính như: các hộ phải di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà; không để gia súc phóng uế bừa bãi; thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, đường làng, ngõ xóm đảm bảo vệ sinh môi trường; định kỳ mỗi tháng tổ chức 1 lần vệ sinh chung đường làng, ngõ xóm. Thôn cũng thành lập 2 tổ tuyên truyền, vận động nhân dân và giúp được gần chục hộ dân di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà”.
Để thay đổi thói quen nhốt trâu bò, gia cầm dưới gầm sàn và nâng cao ý thức vệ sinh môi trường của người dân, thời gian qua, xã Nghĩa Sơn đã rà soát và trực tiếp tới từng hộ dân tuyên truyền, vận động, phân tích về ảnh hưởng không tốt do việc thiếu vệ sinh gây nên. Không chỉ tuyên truyền, các thôn còn phân công cán bộ giúp đỡ các hộ, lựa chọn khu vực để xây dựng khu nuôi nhốt, vận động người dân hỗ trợ ngày công để cùng các gia đình di dịch khu chuồng trại ra xa nhà. Các hộ dân tiêu biểu thực hiện theo các quy ước được thôn rà soát chấm điểm, tổ chức các đoàn tham quan, học tập trực tiếp tại từng hộ để người dân học tập, noi theo. Nhờ đó, nhận thức của người dân có chuyển biến đáng kể. 100% số hộ tự giác di dời chuồng trại ra xa nhà, thường xuyên tham gia vệ sinh môi trường sống và tích cực tham gia tôn tạo cảnh quan môi trường.
Ông Nguyễn Cao Cường - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn cho biết: "Bên cạnh việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, phát huy vai trò của trưởng, phó các thôn bản trong việc thay đổi ý thức, thói quen vệ sinh môi trường của nhân dân, chúng tôi đã huy động sự vào cuộc tích cực của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng. Qua đó, gắn việc triển khai Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" với nội dung cụ thể về bảo vệ môi trường.
Người dân các thôn đã tham gia ý kiến, thống nhất xây dựng hương ước, quy ước, gắn việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống tinh thần và tự giác, nhiệt tình tham gia. Xã đã chỉ đạo ban công tác Mặt trận trực tiếp phụ trách thôn Nậm Tộc xây dựng mô hình "Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới” làm điểm nhân rộng trên địa bàn”.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nhiệt tình, trách nhiệm của người dân trong thực hiện các hương ước, công tác bảo vệ môi trường ở Nghĩa Sơn bước đầu đã mang lại hiệu quả. Đây là tiền đề để đồng bào Khơ Mú nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước hoàn thành các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.